Chuyển đổi số là gì đối với thời đại công nghệ 4.0?
Khi công nghệ, khoa học đang dần trở nên tiên tiến và phát triển mạnh mẽ. Cá nhân mỗi chúng ta cũng phải thích nghi và ứng biến với việc thay đổi của nó, để đời sống và công việc được hoàn thiện hơn. Và hiện nay, thị trường Việt Nam đang dần làm quen với một bước tiến triển mới của tin học hóa, đó là chuyển đổi số. Vậy chuyển đổi số là gì? Và ý nghĩa của việc chuyển đổi số đối với đời sống hiện nay.
Chuyển đổi số là gì?
Khó có được một định nghĩa rõ ràng và cụ thể về chuyển đổi số, bởi vì quá trình áp dụng chuyển đổi số sẽ có sự khác biệt ở từng lĩnh vực khác nhau.
Tuy nhiên có thể định nghĩa một cách ngắn gọn, dễ hiểu: Chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Và là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số.
Thực chất, chuyển đổi số bắt đầu được nhắc đến nhiều vào khoảng năm 2015, phổ biến từ năm 2017. Riêng Việt Nam thì vào giữa 2018, quá trình chuyển đổi số mới được nhắc đến nhiều và chính thức được chính phủ phê duyệt, cho phép áp dụng vào ngày 03/6/2020.
Vì sao lại cần chuyển đổi số và khi nào thì áp dụng chuyển đổi số?
Vì sao cần chuyển đổi số?
Ở thời đại công nghệ cũ, các quá trình phát triển đều tốn khá nhiều tài nguyên của doanh nghiệp, thì chuyển đổi số ra đời không chỉ giúp tăng năng suất mà còn giảm bớt chi phí tốn kém, đồng thời mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.
Áp dụng chuyển đổi số khi nào?
Chuyển đổi số là quá trình khách quan và đặc biệt là trong thời đại trí tuệ nhân tạo đang chạy đua với thời gian thì việc chuyển số dù không muốn thì vẫn xảy ra và đang diễn ra. Mỗi cá nhân hoặc tổ chức đều có chọn lựa tham gia hoặc chỉ đứng ngoài quá trình đó. Nếu đứng ngoài, sẽ có khoảng cách lớn giữa các tổ chức, doanh nghiệp, lĩnh vực đã thực hiện và chưa thực hiện chuyển đổi số và khoảng cách đó sẽ dần được nới rộng nhiều hơn.
Vì vậy, nhìn về đường dài thì mọi cá nhân, tổ chức đều sẽ phải tham gia quá trình chuyển đổi số, không ai có thể đứng ngoài cuộc. Ví dụ nếu một doanh nghiệp lớn không đổi mới, không áp dụng chuyển đổi số, nó có thể sẽ bị thay thế bởi những doanh nghiệp mới nổi, nhỏ và linh hoạt hơn.
Chuyển đổi số như thế nào?
Vì là một quá trình đa dạng, nên chuyển đổi số không có con đường và hình mẫu cho tất cả. Vì vậy từng tổ chức, từng cá nhân cần xác định một lộ trình riêng phù hợp với mình.
Nhưng chuyển đổi số vẫn còn một lộ trình chung để tham khảo. Để thực hiện chuyển đổi số, có thể tham khảo một lộ trình gợi ý gồm ba bước chung nhất như sau:
Bước 1: Có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số. Với một tổ chức, nhận thức của lãnh đạo cao nhất là điều kiện tiên quyết, để từ đó truyền nhận thức, cảm hứng, khát vọng và quyết tâm thay đổi tới các thành viên.
Bước 2: Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động. Xác định trạng thái hiện tại của doanh nghiệp và trạng thái doanh nghiệp cần đến, để định rõ mục tiêu, gồm cả việc xác định mô hình hoạt động, kinh doanh mới trong môi trường số, xây dựng kế hoạch hành động với các giai đoạn hợp lý, nội dung cụ thể.
Bước 3: Xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động, cũng như các nền tảng cần có, để hỗ trợ cho việc chuyển đổi. Từ đó, xây dựng năng lực số, gồm đào tạo nhân lực số, xây dựng thói quen, hình thành văn hóa đổi mới với mô hình hoạt động mới và thực hiện chuyển đổi.
Lợi ích của việc chuyển đổi số.
Chuyển đổi số mang lại thay đổi lớn, làm gián đoạn toàn bộ nhiều ngành công nghiệp, đồng thời, lại tạo ra sự sáng tạo phá hủy giúp một số doanh nghiệp tăng trưởng và phát triển kỷ lục.
Chuyển đổi số còn cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên… những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.
Đối với con người bình thường, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau. Còn đối với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.
Chuyển đổi số còn góp phần gia tăng năng suất lao động. Nghiên cứu của Microsoft cho thấy, năm 2017, tác động của chuyển đổi số tới tăng trưởng năng suất lao động ở vào khoảng 15%, đến năm 2020, con số này là 21%.
Kết luận
Nhìn chung, quá trình chuyển đổi số ảnh hưởng khá nhiều đến đời sống con người và các doanh nghiệp lớn bé. Thế nhưng việc thay đổi để áp dụng chuyển đổi số vào hoạt động cá nhân nói riêng và hoạt động doanh nghiệp nói chung thì không phải là vấn đề xấu.
Chuyển đổi số đem lại rất nhiều lợi ích cho các đơn vị lớn nhỏ, giúp các công ty, doanh nghiệp giảm bớt nhiều khuyết điểm như chi phí cao, năng suất lao động thấp. Ngược lại còn tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường, mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.
Sau bài viết này, chúng tôi hi vọng bạn nắm chắc được khái niệm chuyển đổi số là gì và suy nghĩ kỹ lưỡng về việc áp dụng và thay đổi từ từ để hướng đến quá trình chuyển đổi số cho doanh nghiệp của bạn trong tương lai.