9 gợi ý đặt tên cho cửa hàng ấn tượng, độc đáo
Mở một cửa hàng kinh doanh khiến bạn rất đau đầu vì phải suy nghĩ và thực hiện rất nhiều công việc. Một trong những thứ khiến bạn đau đầu nhất đó chính là đặt tên cho cửa hàng.
Để đảm bảo cửa hàng thu hút được nhiều khách hàng thì tên gọi cũng đóng một vai trò quan trọng. Bạn phải lựa chọn một tên độc đáo, có ý nghĩa, gây ấn tượng mạnh và dễ dàng in sâu trong tâm trí khách hàng.
Và nếu bạn đang căng thẳng tìm kiếm tên cho cửa hàng của mình, thì hãy tham khảo 9 gợi ý đặt tên cho cửa hàng dưới đây. Dựa vào đó để liệt kê một loạt tên gọi và sàng lọc từ từ nhé. Hy vọng bạn sẽ có thể tìm ra được một cái tên ý nghĩa, ấn tượng và dễ nhớ cho cửa hàng khởi nghiệp của mình.
1. Đặt tên cửa hàng dựa trên tên gọi hay đặc tính của sản phẩm kinh doanh
Đầu tiên, bạn có thể nghĩ tới cái tên liên quan đến sản phẩm bạn dang kinh doanh, và cố gắng tìm kiếm xem có từ nào độc đáo hay không. Đây cũng là cách đơn giản nhất để đặt tên cho cửa hàng. Và những tên gọi này cũng giúp khách hàng dễ nhớ, và khi nhắc đến họ có thể biết được cửa hàng của bạn kinh doanh mặt hàng gì.
Chẳng hạn bạn có thể đặt các tên như: Trà sữa Ngọt, Nội thất Mộc, Phụ kiện Độc lạ,…
Với một chút sáng tạo dựa trên tên gọi và đặc tính của sản phẩm, bạn có thể có được danh sách tên cửa hàng khá là độc đáo rồi đó.
2. Đặt tên cửa hàng theo số nhà, địa điểm
Nếu cửa hàng của bạn đặt tại một địa chỉ có số nhà đẹp, ý nghĩa, chẳng hạn như 99, 68, 123, 1000,… thì bạn cũng có thể sử dụng con số đó để đặt tên cho cửa hàng của mình. Việc đặt tên có thể kết hợp tên sản phẩm, hoặc tên đường nếu nó ngắn và đẹp. Điều này giúp khách hàng có thêm gợi ý về địa chỉ của cửa hàng.
Ví dụ: trà sữa Ngọt 99, nội thất 68 Hoa Mai,…
Hoặc cũng có thể đặt tên theo tên gọi của khu vực bạn sống mà nó được nhiều người biết tới, chẳng hạn như: Cà phê Ngã Bảy, Thịt nướng Lăng Cha Cả, Mắt kính Bảy Hiền,…
3. Đặt tên theo tên địa phương
Nếu sản phẩm bạn kinh doanh là một mặt hàng đặc trưng của một địa phương nào đó, bạn có thể dùng ngay tên địa phương đó đặt cho cửa hàng. Điều này giúp khách hàng cảm thấy an tâm về sản phẩm, vì nó được sản xuất từ nơi mà nó nổi tiếng.
Ví dụ: Hạt điều tróc Bình Phước, Cà phê Buôn Mê, bánh cuốn Thanh Trì,…
Thậm chí, bạn cũng có thể lấy tên Quốc gia sản xuất sản phẩm để đặt tên cho cửa hàng. Ví dụ: Mỹ phẩm Mỹ, gia dụng Nhật, thời trang Thái Lan,… Đây là cách đặt tên được rất nhiều bạn trẻ khởi nghiệp online lựa chọn.
4. Đặt tên dựa trên quy mô cửa hàng
Nếu bạn tự tin cửa hàng của mình đủ lớn, bạn có thể đặt tên dựa trên quy mô của nó. Chẳng hạn như: Thế giới di động, Kho điện tử, Vua lẩu, Nông trại trái cây, Siêu thị gia dụng,… Tuy nhiên bạn nên lưu ý là chỉ dùng những tên gọi kiểu này nếu như cửa hàng bạn đủ lớn, như kiểu cái gì cũng có và luôn có hàng. Chứ cửa hàng nhỏ, đặt tên “kho điện tử” mà vào hỏi cái này không có, cái kia hết hàng thì sẽ mất luôn khách hàng.
5. Đặt tên theo từ tiếng nước ngoài
Lấy tên thương hiệu, cửa hàng bằng các từ tiếng nước ngoài đang là hot trend hiện nay. Bạn có thể lựa chọn một cái tên ưng ý mà không sợ bị trùng, lại nghe lạ tai và sang chảnh gây ấn tượng với khách hàng hơn. Bạn có thể lựa chọn theo tên địa danh, tên người, từ mô tả đặc tính, hay tên của các vị thần Hy Lạp chẳng hạn. Ngoài ra, bạn có thể lựa chọn theo tiêu chí dễ đọc, dễ nhớ, có nghĩa khi dịch ra tiếng Việt hoặc mang một ý nghĩa đặc biệt nào đó.
Ví dụ: Adam Store, Eva Shop, Venus Fashion, Girl Boutique, Sakura,…
Bạn đang muốn kinh doanh, hãy tìm kiếm các ý tưởng khởi nghiệp cho mình.
6. Đặt tên dễ thương theo tên thú cưng:
Đặt theo tên thú cưng cũng là một cách hay, dễ thương, ấn tượng. Điều này phù hợp với các cửa hàng thời trang, đồ uống, hoặc các cửa hàng phục vụ khách hàng tuổi teen.
Ví dụ: Trà sữa Gấu, Thời trang Miu, Thỏ trắng, Poo shop,…
7. Đặt tên theo từ bất kỳ có nghĩa ẩn dụ, hay và dễ nhớ
Đặt tên theo từ ghép, từ viết tắt bất kỳ từ một từ đầy đủ ý nghĩa cũng là một phương pháp hay. Lưu ý lựa chọn các tên mà khi ghép từ lại nó ấn tượng, dễ đọc và dễ nhớ.
Ví dụ: YAME – You are my Everything, Tiki – Tiết kiệm – Tìm kiếm,…
8. Đặt tên cửa hàng theo phong thuỷ
Nếu bạn là một người tin vào phong thuỷ, bạn có thể dựa vào đó để đặt tên cửa hàng cho mình. Việc đặt tên theo phong thuỷ sẽ giúp bạn có niềm tin và an tâm hơn khi kinh doanh startup. Chẳng hạn bạn có thể dựa theo mạng của mình để đặt tên với các ký tự bắt đầu phù hợp, như là:
- Kim gồm các ký tự C – Q – R – S – X – Z
- Mộc có 2 ký tự G – K
- Thủy gồm các ký tự B – F – M – H – P
- Hỏa gồm D – J – L – N – T – V
- Thổ gồm các ký tự A – E – I – O – U – W – Y
9. Đặt tên cửa hàng theo tên riêng
Cuối cùng, nếu bạn muốn một tên gọi mang tính thương hiệu, dễ nhớ, dễ đặt thì có thể dùng tên riêng. Bạn có thể lấy tên của mình, tên của con cái, hoặc ghép lại từ tên của 2 người để đặt cho cửa hàng. Và nếu không ai trong nhà bạn có tên đẹp phù hợp, bạn có thể lấy tên nào khác. Có rất nhiều tên gọi mang ý nghĩa riêng, như là: An Nhiên (yên bình, khoẻ mạnh), Mộc Miên (mộc mạc, thanh cao),…