Câu chuyện thành công: Học được gì từ Shopee
Đến với chuyên mục câu chuyện thành công kỳ này, chúng ta hãy cùng xem lại sự hình thành và phát triển của sàn thương mại điện tử lớn nhất thị trường Việt Nam hiện nay nhé. Đó là sàn thương mại điện tử Shopee.
Shopee hiện đang là sàn thương mại điện tử có lượt truy cập cao nhất tại Việt Nam. Với lượt traffic vượt hơn 89 triệu trong tháng vừa qua.
(Số liệu ngày 07/05/2021)
Shopee được hình thành như thế nào?
Vào năm 2009, Shopee được thành lập tại Singapore, thuộc sở hữu của tập đoàn SEA. Tuy vậy, đến tận 2015, Shopee mới được ra mắt tại thị trường này và nhanh chóng mở rộng sang thị trường quốc tế. Hiện nay, Shopee đã có mặt tại Singapore, Việt Nam, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Indonesia, Philippines và Brazil.
Câu chuyện thành công của Shopee tại Việt Nam
Tại thị trường Việt Nam, Shopee xuất hiện từ tháng 8 năm 2016. Đến năm 2020, Shopee chính thức giữ vững vị trí là sàn thương mại điện tử đắt khách nhất tại Việt Nam. Shopee đã đạt được danh hiệu này nhờ vào các chiến lược phát triển hiệu quả.
Các chiến lược Shopee đã áp dụng để dựng nên câu chuyện thành công to lớn tại Việt Nam:
1. Chiến lược phát triển
Có bốn chiến lược phát triển kinh doanh quốc tế hóa:
- Chiến lược xuất khẩu
- Chiến lược Tiêu chuẩn hóa
- Chiến lược đa nội địa hóa
- Chiến lược Xuyên quốc gia
Theo đó, khi phát triển ra khỏi thị trường nội địa là Singapore, Shopee đã căn cứ vào đặc tính sản phẩm/dịch vụ của mình, cũng như đặc điểm thị trường của từng quốc gia để xác định được chiến lược phát triển kinh doanh quốc tế của mình. Họ đã lựa chọn chiến lược Đa nội địa hóa để phát triển tại một thị trường mới. Sau đó, họ sẽ dần dần phát triển thành chiến lược Xuyên quốc gia.
Với chiến lược Đa nội địa hóa, Shopee đã có thể dễ dàng tiếp cận với khách hàng tại nội địa của thị trường đó. Như tại thị trường Việt Nam, Shopee đã phát triển dịch vụ của mình để phù hợp với các đặc điểm người tiêu dùng của từng thị trường. Ví dụ như tại thị trường Indonesia, họ phải sàng lọc và tạo ra một nơi buôn bán phù hợp với số lượng người Hồi giáo lớn tại nước này. Còn tại Việt Nam hay Thái Lan, Shopee dùng hình ảnh những người nổi tiếng trong nước để đánh bóng tên tuổi dịch vụ của mình.
2. Unique Selling Point: Rẻ vô địch
Unique Selling Point (USP) trong tiếng Việt là điểm bán hàng độc nhất. Theo đó, cụm từ này sẽ đại diện cho các đặc điểm mà khách hàng có thể dùng nó để phân biệt bạn và đối thủ cạnh tranh khác.
Với Shopee, họ áp dụng USP Rẻ vô địch để tạo nên điểm nhấn cho thương hiệu của mình. Chắc hẳn bạn đã từng nghe câu slogan của Shopee: “Ở đâu rẻ hơn, Shopee hoàn tiền”. Với USP này, Shopee đã tạo nên được sự tò mò về thương hiệu. Thông qua đó, Shopee đã thành công lôi kéo được rất nhiều khách hàng tiềm năng trở thành khách hàng trung thành khi họ ghé thăm ứng dụng Shopee.
Không những thế, với USP Rẻ vô địch này, Shopee cũng có thể dễ dàng tiếp cận với rất nhiều khách hàng ngoài thành phố. Nơi mà người dùng thường có thói quen tiêu dùng cho các sản phẩm rẻ mà không quá quan tâm về chất lượng. Shopee đã đánh vào thị trường khách hàng rộng nhất, với những sản phẩm rẻ hơn sản phẩm đồng loại trên các sàn thương mại điện tử khác.
3. Lợi thế từ gia nhập trễ
Shopee không phải là sàn thương mại điện tử đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Shopee gia nhập vào thị trường Việt Nam sau các ông lớn như Lazada, Tiki, Chotot…Điều này thường sẽ khiến cho doanh nghiệp rất khó giành lấy thị trường. Tuy nhiên, đối với Shopee, họ đã biến điều này thành một lợi thế để sử dụng.
- Khách hàng đã quen với việc giao dịch online:
Khi Shopee đến thị trường Việt Nam, người Việt Nam đã dần quen với việc mua sắm qua mạng. Điều này đã giúp cho Shopee tiết kiệm rất nhiều công sức để có thể tạo nên thị trường cho mình. Lúc này, Shopee chỉ cần tập trung vào việc lôi kéo thị phần về cho mình.
- Tham khảo các sàn thương mại điện tử đã hiện hữu tại thị trường
Nhờ vào việc đến sau, Shopee có thể nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh đang rất lớn mạnh tại thị trường. Qua việc nghiên cứu này, họ đã dễ dàng nắm bắt được những đặc điểm mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Thông qua đó, họ đã phát triển được các chiến lược ngắn và dài hạn để lôi kéo thị phần.
4. Cải thiện trải nghiệm người dùng
Một trong những ưu điểm lớn nhất của Shopee là việc nâng cao trải nghiệm của người dùng. Shopee luôn cố gắng đáp ứng những mong muốn của người dùng nhưng vẫn luôn mang thông điệp USP Rẻ vô địch của Shopee.
Qua đó, Shopee có flash sale hàng ngày vào nhiều khung giờ khác nhau. Ngoài ra, Shopee còn có các voucher, coupon giúp khách hàng mua hàng online rẻ hơn cả khi khách mua tại nơi bán. Không những thế, Shopee còn khuyến mãi khách hàng thanh toán qua ví điện tử AirPay lên đến 50% giá trị sản phẩm… Một thông tin thú vị khác, Shopee là sàn thương mại điện tử đầu tiên áp dụng các đợt siêu sale ngày theo tháng (ngày 01/01, ngày 02/02…).
Câu chuyện thành công của Shopee cho chúng ta những bài học:
Câu chuyện thành công của Shopee tại thị trường Việt Nam đã cho chúng ta những bài học quý giá trong việc kinh doanh:
- Có kế hoạch rõ ràng
Thông qua việc Shopee áp dụng chiến lược phát triển kinh doanh quốc tế vào thị trường Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra được họ đã nghiên cứu và lên kế hoạch cho việc thâm nhập vào thị trường Việt Nam. Với một bản kế hoạch kinh doanh, họ biết rõ ràng họ cần làm những gì. Cho nên, trong kinh doanh, kế hoạch rõ ràng là điều bắt buộc.
- Nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh trên thị trường
Bằng việc nghiên cứu các đối thủ cạnh tranh đang có trên thị trường, Shopee đã có thể dễ dàng xác định được tiềm năng, độ cạnh tranh, nhu cầu và mong muốn của khách hàng tiềm năng. Thông qua đó, họ đã có thể đưa ra các chiến lược chính xác để nắm bắt thị phần một cách nhanh chóng.
Chúng ta cũng nên nghiên cứu đối thủ cạnh tranh để có thể thay đổi cho phù hợp với thị trường đầy cạnh tranh và biến động.
- Tạo ấn tượng với khách hàng để họ phân biệt được thương hiệu của mình
Việc gây ấn tượng cho khách hàng là việc cực kỳ quan trọng. Hiện nay, khi nhắc đến Shopee, điều đầu tiên chúng ta nghĩ đến là rẻ. Đây là ấn tượng của chúng ta về Shopee. Đối với sản phẩm, dịch vụ của mình, chúng ta cũng nên mang đến những ấn tượng tốt cho khách hàng. Cách tạo ấn tượng này sẽ khác nhau cho mỗi sản phẩm, mỗi doanh nghiệp.